Thừa cân béo phì ở trẻ độ tuổi mầm non gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sự phát triển của bé. Là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây nên những bệnh lý nguy hiểm khi bé trưởng thành. Vì thế, ba mẹ cần đặc biệt quan tâm và tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng phòng chống béo phì cho trẻ trong độ tuổi này.
Thế nào là thừa cân béo phì ở trẻ độ tuổi mầm non?
Bé có cân nặng “quá khổ” ở độ tuổi mầm non đang là nỗi lo của ba mẹ và các cô tại trường mẫu giáo. Bởi vì thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của các bé, mà còn gây ảnh hưởng và sức ép nặng nề đến tâm lý của bé.
Nhưng làm thế nào để nhận biết được bé nhà mình đang rơi vào tình trạng béo phì, thừa cân? Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết để ba mẹ sớm phát hiện và giúp bé ngăn chặn tình trạng này:
– Bé luôn ăn hết phần và đòi ăn thêm: Ba mẹ nào cũng muốn con mình “mau ăn chóng lớn”, nên thấy con ăn nhiều, ăn khỏe chắc chắn sẽ rất vui. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra liên tục và kéo dài. Thì ba mẹ nên lưu ý, vì có thể bé đang bắt đầu rơi vào giai đoạn thừa cân.
– Bé thích ăn thức ăn có vị ngọt, béo: nếu trẻ được ba mẹ cho ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều chất đường bột như: cơm, chè, socola, kem, bánh ngọt,… hoặc những món chứa nhiều mỡ như: thịt quay, thịt mỡ, đồ chiên, súp có nhiều nước béo,… sẽ dễ dẫn đến tình trạng dư thừa chất béo trong cơ thể. Mặc dù chất béo cần thiết trong giai đoạn phát triển của bé. Nhưng nếu cung cấp dư thừa thì sẽ làm tăng cân nhanh chóng và mất kiểm soát.
– Bé không chịu ăn rau: Hầu như những bé không chịu ăn rau đa phần đều có nguy cơ béo phì cao. Vì khẩu phần ăn không cân đối, dinh dưỡng trong bữa ăn nghiêng về những chất chứa nhiều béo, ngọt, đạm – Những chất tạo năng lượng cho cơ thể.
– Bé tăng cân nhanh và tăng liên tục: Thông thường, bé trên 1 tuổi thường tăng cân trung bình trong mỗi tháng từ 200 – 300g. Nếu bé nhà bạn tăng cân trên 0,5kg/tháng. Và mức tăng này vẫn giữ trong nhiều tháng liên tiếp thì bé đang có dấu hiệu thừa cân, béo phì rất cao. Ba mẹ cần chú ý sơ đồ tăng cân của bé để theo dõi tình trạng sức khoẻ trong giai đoạn này.
Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở bé
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ trong giai đoạn mầm non. Trong số đó, một số nguyên nhân cơ bản và bẩm sinh mà chúng ta không thể tránh khỏi như: di truyền từ gen của bố mẹ, bé bẩm sinh bị hội chứng thèm ăn, bé bị rối loạn nội tiết tố trong cơ thể.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là do thói quen sinh hoạt và nếp sống ảnh hưởng từ gia đình. Một số bé được gia đình quá nuông chiều. Đặc biệt là thời đại công nghệ như hiện nay, các bé được cho tiếp xúc với điện thoại, tivi và các thiết bị công nghệ thông minh từ khi còn bé. Việc này khiến cho bé lười vận động, chỉ ngồi hoặc nằm xem điện thoại, tivi.
Bên cạnh đó, một số ba mẹ chưa có nhiều kiến thức về dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng không cân đối và hợp lý cho bé, gây nên tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ trong giai đoạn mầm non.
Chế độ dinh dưỡng phòng chống béo phì ở trẻ mầm non
Trẻ bị béo phì, hoặc có dấu hiệu thừa cân, béo phì trong độ tuổi mầm non cần được ba mẹ quan tâm đặc biệt về chế độ dinh dưỡng. Cũng như thói quen thường ngày của bé. Giúp bé thoát khỏi tình trạng thừa cân, béo phì để phát triển khoẻ mạnh.
Chế độ dinh dưỡng của bé bị thừa cân béo phì cần phải cân đối, hợp lý với thể trạng của bé và đa dạng. Cho bé tăng cường ăn cá, hải sản và các loại rau, quả. Giảm các loại thức ăn chứa nhiều năng lượng, chất béo, chất đường ngọt,… gây tích tụ mỡ dư thừa trong cơ thể bé.
Tập cho bé thói quen ăn đúng giờ, đúng bữa, đúng khẩu phần. Tuyệt đối không cho bé ăn sau 20h và ăn quá nhiều bữa phụ trong ngày. Chế độ tốt nhất cho bé là ăn nhiều vào buổi sáng và buổi trưa, giảm khẩu phần ăn vào buổi chiều và tối. Ba mẹ nên tham khảo thêm thông tin về khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ phù hợp với từng độ tuổi. Tránh tình trạng cho bé ăn quá nhiều, hoặc để bé quá đói khiến bé sẽ ăn nhiều trong bữa kế tiếp. Như vậy sẽ càng làm cho tình trạng tích trữ mỡ nhanh hơn.
Những món ăn hạn chế cho trẻ ăn để phòng chống béo phì, thừa cân:
+ Hạn chế ăn các món chiên, xào, nhiều dầu mỡ và thay vào các món luộc, hấp và kho.
+ Hạn chế cho bé uống các loại nước ngọt có gas hoặc nước trái cây nhiều đường.
+ Không dự trữ ở nhà nhiều loại thức ăn giàu năng lượng như: socola, bơ, kem, bánh ngọt
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, ba mẹ nên chú ý tập và khuyến khích cho bé thói quen vận động thường xuyên. Hướng dẫn bé tham gia những hoạt động thể thao phù hợp với lứa tuổi. Tuyệt đối không cho trẻ xem tivi hoặc điện thoại quá 2h/ngày. Khuyến khích bé phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, chơi đùa cùng bé để bé có thể vận động thoải mái và vui vẻ hơn.
Hy vọng với những thông tin mà Eijiko Kindergarten chia sẻ trong bài viết sẽ giúp cho ba mẹ có thêm một phần kiến thức để chăm sóc cho bé bị thừa cân, béo phì trong độ tuổi mầm non. Giúp các bé “tạm biệt” với cân nặng quá khổ, phát triển khỏe mạnh và toàn diện.